icon zalo
icon zalo
messenger facebook

Tin tức

CÂU CHUYỆN SẦU RIÊNG

RESIZE1

Tháng 9 vừa qua, những chuyến xe chở sầu riêng Đắk Lắk đã lăn bánh hướng về thị trường phương Bắc theo con đường chính ngạch. Một hành trình suốt bốn năm đàm phán và chuẩn bị nghiêm túc từ Trung ương đến địa phương. Nông dân hồ hởi, doanh nghiệp tự tin vào con đường phía trước. Đường đã khá thông, hè đã khá thoáng rồi. “Sầu riêng” đang đem đến “niềm vui chung”.

Vùng Tây Nguyên đất đỏ ba-zan màu mỡ là thủ phủ của cà phê, hồ tiêu, bơ, cao su và nhiều loại cây ăn trái khác. Giờ đây, vùng đất được mệnh danh “mái nhà Đông Dương”, lại “bén rễ” cây sầu riêng - vua của các loại trái cây”.

Cùng với người dân Tây Nguyên, người dân từ miền Tây, miền Đông lên, từ Hà Nội và các địa phương phía Bắc vào, đã góp phần hình thành ngành hàng mới.

Nhìn những vườn cây trĩu quả, những đoàn xe đầy ắp sầu riêng từ nhà vườn chuyển đến nhà vựa, sẽ thấy sức sống của của ngành hàng còn nhiều tiềm năng này. Nhiều người nông dân đã tự tin chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Những trang trại đa canh, đa tầng, đa giá trị hướng đến nông nghiệp sinh thái, bền vững đã dần hình thành.

Những nhà vựa, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cơ sở đóng gói, kho trữ lạnh, khu sơ chế,… để chuẩn bị cho đường dài.

 

RESIZE2

Như vậy, mở đầu đã hanh thông, nhưng làm sao để chặng đường tiếp đến thêm phần thuận lợi? Để những chuyến hàng đầu tiên lăn bánh “tạo đà” chuyển động nhanh và bền vững cho cả ngành hàng sầu riêng Việt Nam, vì hình ảnh, thương hiệu nền nông nghiệp Việt Nam.

Khi nói đến một ngành hàng nông sản, thường chỉ thống kê số liệu về diện tích gieo trồng, về năng suất, sản lượng, hay kim ngạch xuất khẩu. Rồi tự hào phân tích về chất lượng của trái sầu riêng với độ ngọt, vị ngon, hương thơm,…

“Ăn trái nhớ người trồng cây”, mà đôi khi, chúng ta ít đề cập đến con người gắn bó với sầu riêng - từ khâu gây giống, gieo trồng cho đến khâu thu hoạch, thương mại hoá: người nông dân sản xuất, người kinh doanh, buôn bán, người quản lý từ các cơ quan chuyên môn.

Không hiểu sâu về những con người tạo nên và gửi trao trái sầu riêng ngon thơm đến người tiêu dùng, sẽ chưa hình dung hết điểm mạnh và điểm yếu, thời cơ và thách thức trong tương lai.

3

Bao nhiêu người tham gia vào ngành hàng sầu riêng ở một xã, một huyện, một tỉnh, cả vùng, liên vùng? Bao nhiêu người đã tham gia kiến tạo sự phát triển ngành hàng? Bao nhiêu người hiểu được ngành hàng sầu riêng của các quốc gia khác?

Tốc độ đi của đoàn người đi trên đường có phần phụ thuộc vào số lượng người tham gia và cách thức tham gia giao thông. Càng đông, càng nhộn nhịp nhưng cũng càng chen chúc. Càng chen chúc, càng dễ tắc đường, khi tắc đường thì dễ dẫn tới luồn lách, lấn lề, vi phạm quy tắc giao thông. Vậy là cần có quy tắc và đảm bảo quy tắc được tuân thủ.

Có người nhận xét, hãy nhìn vào cách thức tham gia giao thông sẽ đo lường được mức độ ý thức của một người, ý thức chung vì cộng đồng của một đất nước. Vậy hành trình vươn xa của trái sầu riêng đến với thành công bền vững, được quyết định bởi những con người và những quy tắc ứng xử trong suốt hành trình.

Dù là cạnh tranh hay hợp tác, thì muốn thành công thì không chỉ “biết ta” mà còn phải “biết người”. Đôi khi ta chưa “biết ta” lại càng không “biết người”. Ta “biết ta” có bao nhiêu người, năng lực ra sao. Bao nhiêu người sẵn sàng cùng nhau đi lâu dài, bằng cách tham gia và chung tay gây dựng hệ sinh thái ngành hàng.

Bao nhiều người chỉ cuốn theo tư duy buôn chuyến, chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt, mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài, bền vững.

Ta “biết ta” sẽ phải gặp phải những rủi ro, trở ngại gì trên muôn dặm đường xa, do “bên ngoài” lẫn do “bên trong”. Đường càng dài, thời gian đi càng lâu, thường tỷ lệ thuận với rủi ro, trở ngại.

6

 

“Bên trong”, khi giá cả hạ xuống, thì một bộ phận người trồng thường sẽ giảm chăm sóc, dẫn đến giảm chất lượng. Ngược lại, khi giá cả lên, lại một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng tưởng, tự phát mở rộng vùng trồng,...

Đó chính là “cái bẫy” chúng ta thường gặp phải với cây trồng này, vật nuôi kia, khi vụ này, lúc vụ khác. Khi ấy, nhiều người có thể than trách người sản xuất dễ dàng bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông: “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”.

Tuy nhiên, người sản xuất quanh năm mùa vụ, quanh quẩn từ nhà ra vườn, từ vườn vào nhà, làm sao biết được thế nào là thị trường, thế nào là cung cầu. Đó là trách nhiệm của cả bộ máy quản lý chuyên ngành từ cơ sở đến Trung ương.

“Bên ngoài”, cửa đã mở nhưng vẫn luôn chực chờ khép lại, nếu những “người khách” không tuân thủ quy tắc của “chủ nhà”. Mỗi đất nước đều có chuẩn mực riêng và có thể thay đổi theo thời gian. “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Muốn ra sân chơi lớn phải tuân thủ “luật chơi”“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, chúng ta có dám nhìn thẳng, nói thật, tự trách mình đã có thời gian dài sản xuất dễ dãi, kinh doanh dễ dài, quản lý dễ dãi? Nông sản trong vườn chỉ là “sản phẩm”, mà chúng ta làm ra được, sản xuất ra được. Sản phẩm đó muốn đến được thị trường, thì phải trở thành “thương phẩm” hội đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng, mẫu mã, phương thức, thời điểm mua bán,…, của khách hàng, của thị trường.

“Bên ngoài” còn là thị trường “trăm người bán, vạn người mua”, trên thế giới, không chỉ chúng ta độc quyền sản xuất, kinh doanh trái sầu riêng. Do đó, chúng ta vừa đi, vừa nhìn xem, vừa lắng nghe, vừa học hỏi người khác đi như thế nào, và ngược lại, người khác cũng đang quan sát chúng ta.

Đằng sau và ẩn sâu trong trái sầu riêng là mồ hôi, thậm chí, là cả nước mắt của bao nhiêu nông dân, là nỗi khắc khoải và sự dấn thân của bao nhiêu nhà vựa, doanh nghiệp, là kỳ vọng của các địa phương, là niềm tự hào của ngành nông nghiệp nước nhà. Hãy cùng bình tâm và trải lòng, để cảm nhận những điều “đằng sau” và “ẩn sâu” đó.

Nhân đây, xin chia sẻ “Câu chuyện phấn hoa” để mọi người chiêm nghiệm. Tại vùng trang trại xa xôi, có một người nông dân năm nào cũng trồng được những cây ngô rất tốt. Năm nào ông cũng mang ngô tới hội chợ và năm nào cũng đạt giải nhất. Một phóng viên phỏng vấn ông và phát hiện ra rằng người nông dân luôn chia sẻ những hạt giống ngô tốt nhất của mình với những người hàng xóm ở các trang trại xung quanh.

“ - Tại sao bác lại chia những hạt giống tốt nhất đi, trong khi năm nào họ cũng đem sản phẩm đến cùng hội chợ để cạnh tranh với sản phẩm của bác?

- Anh không biết ư? - Người nông dân thật thà đáp - Gió luôn thổi phấn hoa và cuốn chúng từ trang trại này sang trang trại khác, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Nếu những người hàng xóm quanh tôi chỉ trồng được những cây ngô xấu, thì việc thụ phấn do gió rõ ràng sẽ làm giảm chất lượng ngô của chính trang trại của tôi. Tức là, nếu tôi muốn trồng được ngô tốt, tôi cũng phải giúp những người xung quanh trồng được ngô tốt đã!”.

Cuộc sống cũng như vậy. Những người muốn được hạnh phúc cần giúp những người sống quanh mình hạnh phúc. Những người muốn thành công cần giúp những người quanh mình thành công. Giá trị cuộc sống của bạn được đo bằng những cuộc sống mà bạn "chạm” tới.

5

Dư âm sự kiện xuất khẩu chính ngạch, lời hát rộn ràng “sầu riêng, sầu riêng, sầu đâu có riêng” gợi lên bao suy ngẫm. Sầu riêng là một loại trái cây, “thức quà” đặc biệt: người ưa thích thì cảm nhận rất ngon, rất thơm và rất ghiền, người không hợp thì khó có thể chịu được mùi, chứ chưa nói tới việc nếm thử hay thưởng thức.

Phải chăng con đường chính ngạch đang mở ra cũng tương tự như thế? Nếu chúng ta làm đúng, làm đủ, tuân thủ luật chơi, thì trái sầu luôn là trái ngọt, trái thơm; còn ngược lại, trái sầu phút chốc trĩu nặng nỗi buồn thành “trái đắng”.

Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ bao năm qua của bà con nông dân, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cùng cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, vẫn luôn còn đấy câu hỏi đau đáu: “Rồi sao nữa?”.

Rồi sao nữa, để mỗi bước tiếp theo trên con đường xuất khẩu chính ngạch, cho chính sầu riêng và các loại trái cây đặc sản khác, vững vàng và chắc chắn?

Rồi sao nữa, để từ nay về sau, sầu riêng không còn là nỗi “sầu” hay niềm “riêng”. Rồi sao nữa, để mỗi khi nhắc tới sầu riêng, người tiêu dùng nơi nơi đều nghĩ ngay đến Việt Nam?

Rồi sao nữa, để sầu riêng tự hào viết tiếp câu chuyện: “Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt”!

 Theo Nông nghiệp Việt Nam

Related Articles

logo

CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ KỸ THUẬT COMPRESSOR VIỆT NAM

ĐÀ NẴNG: 123-125 KHÁNH AN 2, PHƯỜNG HÒA KHÁNH BẮC, QUẬN LIÊN CHIỂU, TP. ĐÀ NẴNG

TP. HỒ CHÍ MINH: B11/24 RẠCH CÁI TRUNG, XÃ TÂN KIÊN, HUYỆN BÌNH CHÁNH, TP. HỒ CHÍ MINH

ĐĂK LĂK:

CS 1: NHÀ SỐ 10, KM26 - QL26, THỊ TRẤN PHƯỚC AN, HUYỆN KRÔNG PẮK, TỈNH ĐĂK LĂK.

CS 2: QL29, THÔN 2, XÃ EA NGAI, HUYỆN KRÔNG BUK, TỈNH ĐĂK LĂK.

ĐĂK NÔNG:

SỐ 37 HÙNG VƯƠNG, PHƯỜNG NGHĨA TRUNG, TP. GIA NGHĨA, TỈNH ĐĂK NÔNG.

Hotline: 0919.90.83.90 - 0936.910.109 - 0905.39.39.17

Email: sales@compressorvietnam.com

Website: khocapdongsaurieng.com

 

LIÊN LẠC

Chúng tôi sẽ phản hồi email của bạn ngay lập tức!