Gia Lai đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục cấp mã số vùng trồng, nhằm xuất khẩu chính ngạch, tạo cơ hội nâng cao giá trị thương hiệu sầu riêng Gia Lai.
Xây dựng mã vùng trồng để khẳng định chất lượng cho sầu riêng Gia Lai.
Vấn đề xây dựng mã vùng trồng cho cây sầu riêng đang được chính quyền, ngành Nông nghiệp cũng như doanh nghiệp, HTX và người trồng sầu riêng Gia Lai đặc biệt quan tâm.
Phát triển vườn cây có chất lượng
Với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu nên những năm qua, bên cạnh các loại cây ăn quả khác, Gia Lai đã tập trung phát triển diện tích cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 4.068 ha sầu riêng, trong đó diện tích cho sản phẩm là 1.706,5 ha, năng suất bình quân đạt 14,55 tấn/ha, theo đó sản lượng đạt trên 24.870 tấn. Sầu riêng ở Gia Lai chủ yếu được trồng ở các địa phương như huyện Chư Sê 835,8 ha, Chư Prông 737 ha, Ia Grai 658 ha, Chư Păh 553,6 ha, Chư Pưh 370 ha, Đăk Đoa 343 ha, Mang Yang 295ha…Dự kiến kế hoạch đến năm 2025, Gia Lai sẽ có diện tích sầu riêng đạt 5.000 ha.
Phần lớn diện tích sầu riêng này đang được nông dân đầu tư theo hướng nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để từng bước hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Vườn sầu riêng ở Gia Lai gồm các giống chủ lực như dona, Ri6, Musangking. Trong đó, giống dona chiếm ưu thế với hơn 70% diện tích sầu riêng toàn tỉnh, bởi giống này có lợi thế là cho năng suất cao và ổn định; thời gian cho trái ngắn, chỉ sau 3- 4 năm trồng là cây có thể cho trái với năng suất trung bình 12- 15 tấn/ha, đối với vườn cây trồng thuần, đầu tư thâm canh theo đúng quy trình thì khi vườn cây đạt từ 8 năm tuổi trở lên, sẽ cho năng suất khoảng 30- 40 tấn/ha/năm.
Quả sầu riêng được trồng từ giống dona có đặc điểm nổi bật là thịt dày, hạt lép, cơm vàng, mùi thơm nhẹ mà không gắt, vị ngọt và béo; sầu riêng Dona có thể bảo quản được lâu, đáp ứng được nhu cầu của phần lớn người tiêu dùng, thuận tiện trong việc vận chuyển đường dài và xuất khẩu…
Phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh hướng dẫn người dân sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để phát triển vườn sầu riêng có chất lượng cao thì giống luôn được đặt lên hang đầu. Đến giữa tháng 10/2022, Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai đã công nhận 50 cây sầu riêng dona đầu dòng, với năng lực sản xuất 300 hom giống mỗi cây, sẽ cho ra 15.000 hom giốngt, ương đương diện tích trồng mới khoảng 81 ha/năm.
Bên cạnh giống thì vấn đề ứng dụng kỹ thuật công nghệ cho những vườn sầu riêng cũng được đặc biệt quan tâm. Hiện diện tích sầu riêng ở Gia Lai được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước là 1.117,4 ha; sầu riêng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP 618,2 ha, chiếm khoảng 7,3% tổng diện tích cây ăn quả được chứng nhận (diện tích cây ăn quả của tỉnh Gia Lai được chứng nhận là 8.460,2 ha).
Địa phương, doanh nghiệp cùng đồng hành
Huyện Chư Pưh trong nhiều năm qua cũng đã nỗ lực hình thành vùng chuyên canh cây sầu riêng. Tuy nhiên đến thời điểm này, mới chỉ có sản phẩm sầu riêng của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ) được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết: Để hỗ trợ người dân canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… hướng đến mục tiêu xuất khẩu chính ngạch, huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và một số doanh nghiệp, vận động bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng mã vùng trồng. Hiện HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn đã liên kết với doanh nghiệp có uy tín làm hồ sơ, thủ tục để xin cấp mã số vùng trồng cho cây sầu riêng.
“Mới đây, huyện phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai khảo sát xây dựng mã vùng trồng cây sầu riêng tại xã Ia Rong. Đến nay, xã đã hình thành Tổ liên kết sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, mở ra cơ hội phát triển sầu riêng ổn định trong những năm tới”, ông Tứ thông tin.
Theo ông Nguyễn Viết Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn thì những năm qua, HTX đã chủ động liên kết với 62 hộ dân, canh tác hơn 250 ha sầu riêng theo hướng VietGAP. Nhờ đó, giá trị sản phẩm tăng cao và được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
“Hiện HTX đã làm hồ sơ, thủ tục đề nghị cơ quan chức năng cấp mã số vùng trồng cho 177 ha sầu riêng. Dự kiến trong năm nay, HTX sẽ có 6 mã số vùng trồng. Ngoài ra, HTX cũng ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Group để bao tiêu sản phẩm xuất khẩu trong thời gian tới”, ông Bình chia sẻ.
Mới đây, tại huyện biên giới đức Cơ, UBND huyện này và HTX Xuất khẩu Bắc Tây Nguyên đã ký bản ghi nhớ hợp tác, liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm trái sầu riêng trên địa bàn. Theo đó, về phía HTX Xuất khẩu Bắc Tây Nguyên sẽ xây dựng 1 xưởng sơ chế và kho đông lạnh bảo quản sầu riêng phục vụ xuất khẩu tại xã Ia Kriêng.
HTX thực hiện thu mua sầu riêng, gắn với hỗ trợ nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng vào quy trình chăm sóc, sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Về phía địa phương, huyện Đức Cơ sẽ hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm sầu riêng của HTX.
Ông Vũ Mạnh Định, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, cho biết: Trên địa bàn huyện có hơn 300 ha sầu riêng. Với năng lực thu mua sầu riêng hơn 2.000 tấn/năm, việc HTX Xuất khẩu Bắc Tây Nguyên và UBND huyện Đức Cơ ký bản ghi nhớ hợp tác, liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm trái sầu riêng sẽ góp phần giúp nông dân yên tâm về đầu ra. “Nhờ đó, người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp thâm canh, đảm bảo quy trình kỹ thuật và đạt tiêu chuẩn chất lượng, góp phần duy trì phát triển cây sầu riêng theo hướng bền vững”, ông Định chia sẻ.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai đã đã phối hợp với các địa phương thiết lập, xây dựng và tổ chức thẩm định, trình hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét, đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 14 mã số vùng trồng với tổng diện tích 310,57 ha.
Theo Nông nghiệp Việt Nam